Chính phủ liên bang đang ráo tiết thông qua một dự luật mới gọi là “quy tắc ứng xử” giá thực phẩm đầu tiên của Canada sẽ áp dụng vào quý đầu tiên 2024 dường như đang gặp phản ứng từ các ông lớn siêu thị.
Hai trong số những nhà bán lẻ lớn nhất Canada, Loblaw và Walmart đang bày tỏ lo ngại rằng văn bản được soạn thảo sẽ không tốt cho hoạt động kinh doanh của họ và đẩy giá thực phẩm lên cao cho phía khách hàng.
Giới cầm đầu ngành Nông nghiệp và Thực phẩm đã cố gắng đạt được thỏa thuận về quy tắc ứng xử trong hơn hai năm sau khi các nhà lập pháp Canada yêu cầu họ đưa ra các quy định mới để quản lý các giao dịch giữa siêu thị và nhà cung cấp. Hy vọng rằng các quy định này sẽ chấm dứt các chiến thuật bị cáo buộc là bắt nạt trong chuỗi cung ứng thực phẩm và chấm dứt hàng thập kỷ tranh cãi gay gắt về phí tổn và mức phạt. Các nhà sản xuất cho biết họ buộc phải trả thêm tiền chỉ để đưa sản phẩm của mình lên kệ ở các siêu thị lớn. Tuy nhiên, theo giới quan sát, luật này có quá ít chi tiết về hình phạt nếu vi phạm chúng.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne đã trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất bộ quy tắc ứng xử, hứa hẹn sẽ giúp đẩy nhanh công việc như một phần trong nỗ lực gần đây của chính phủ liên bang nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng giá cả quốc gia. Ông cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng này rằng “quy tắc ứng xử” này có khả năng thực hiện “những cải tiến có ý nghĩa trên toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm”.
Nhưng tại thời điểm này, các cuộc đàm phán do ngành thực phẩm dẫn đầu đã đưa ra một hệ thống tự nguyện cho phép các công ty quyết định xem họ có muốn ký quy tắc hay không và tuân thủ các quy tắc mới.
Lợi ích của hệ thống tự nguyện là nó được khai triển đơn giản và nhanh chóng hơn so với quy tắc bắt buộc do chính phủ quản lý. Ottawa đã xác định rằng quy tắc như vậy không thuộc thẩm quyền của liên bang, do đó, nó sẽ do các tỉnh bang thực hiện và rất ít người trong ngành quan tâm đến việc cố gắng điều hướng một loạt các quy tắc khu vực khác nhau trải rộng trên chuỗi cung ứng thực phẩm quốc gia.
Nhưng nhược điểm của quy tắc tự nguyện trong một ngành mà năm chuỗi cửa hàng kiểm soát 80% doanh số bán hàng thực phẩm là chỉ cần một hoặc hai nhà nắm giữ là toàn bộ mọi thứ sẽ bắt đầu tan vỡ. Đó dường như là những gì đang xảy ra bây giờ.
Michael Graydon, một nhà vận động hành lang sản xuất, người đứng đầu Tổ chức Thực phẩm, Sức khỏe và Sản phẩm Tiêu dùng Canada và đồng Chủ tịch Ủy ban các Hiệp hội ngành dẫn đầu các cuộc đàm phán, cho biết: “Chúng tôi không biết liệu mọi người có tham gia ngay bây giờ hay không. Có những tổ chức vẫn không tin rằng đây là con đường phía trước.”
Tại một hội nghị về ngành Thực phẩm ở Toronto tuần này, ông cho biết quá trình này hiện đang diễn ra vào giờ thứ 11 và các cuộc tham vấn về bản dự thảo cuối cùng đã hoàn tất. Một dự thảo được đưa ra tại hội nghị bao gồm các quy tắc chống lại việc đơn phương thay đổi hợp đồng cung cấp, cũng như các điều khoản nêu rõ khi nào siêu thị có thể tính tiền phạt và cách các bên giải quyết tình huống khi cầu vượt xa nguồn cung.
Bộ luật sẽ thành lập một cơ quan giám sát để giúp giải quyết các tranh chấp, nhưng cơ quan đó sẽ không có nhiều quyền trừng phạt đối với những kẻ xấu ngoài việc làm khiến công chúng bất bình, Graydon nói.
Bộ quy tắc và văn phòng giám sát dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý đầu tiên của năm 2024. Tuy nhiên, một số công ty lớn đang phản đối.
Graydon nói với đám đông tại hội nghị rằng nếu quy tắc tự nguyện không thành công, ngành công nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều sự xâm nhập của chính phủ hơn.
Ông lập luận: “Họ không hiểu công việc kinh doanh của chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải ngăn họ tham gia bằng cách tốt nhất có thể”.
Sau nhận xét, giới truyền thông đã hỏi 5 chuỗi siêu thị lớn liệu họ có dự định ký quy tắc hay không.
Costco Corp. không phản hồi, trong khi Empire Co. Ltd. và Metro Inc., công ty mẹ của Sobeys, các chuỗi siêu thị lớn thứ hai và thứ ba, cho biết họ ủng hộ điều đó. Nhưng Loblaw Cos. Ltd., công ty thực phẩm lớn nhất, cho biết họ lo ngại quy định này sẽ gây phản tác dụng đối với khách hàng.
Người phát ngôn của Loblaw, Catherine Thomas, cho biết trong một email: “Chúng tôi luôn lo ngại rằng bộ luật, như hiện đang được soạn thảo, sẽ tăng giá thực phẩm cho người dân Canada và ảnh hưởng đến khả năng của các chuỗi siêu thị trong việc có được sản phẩm phù hợp trên kệ hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi vẫn tích cực tham gia vào nỗ lực cải thiện giá cả có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người – đặc biệt là khách hàng.”
Tập đoàn Wal-Mart Canada cũng có những lo lắng tương tự.
Người phát ngôn Stephanie Fusco cho biết trong một email: “Mặc dù chúng tôi ủng hộ các sáng kiến cuối cùng sẽ mang lại giá trị và mức giá thấp cho khách hàng của mình, nhưng chúng tôi cũng ý thức được việc tạo thêm những gánh nặng không cần thiết có thể làm tăng chi phí thực phẩm cho người tiêu dùng Canada, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát như hiện nay”.
Graydon gọi những bình luận của họ là “đáng thất vọng” và cho rằng hai chuỗi siêu thị này đang lấy những lo ngại về lạm phát làm cái cớ để không tham gia.
Ông nói: “Hãy tham gia quy tắc, làm việc với chúng tôi trong một năm, xem nó diễn ra như thế nào, thực hiện một số sửa đổi nhất định nếu chúng tôi phải làm và nếu nó không hiệu quả thì hãy rời đi,” và nói thêm rằng các quốc gia khác đã thực hiện quy tắc tương tự; bao gồm cả Vương quốc Anh, chưa từng có mức giá cao hơn vì lạm phát.
Nếu Walmart và Loblaw cuối cùng quyết định không ký quy tắc, Graydon cho biết điều đó sẽ đưa ngành này vào một con đường mới.
Ông nói: “Trọng tâm của chúng tôi sẽ quay trở lại việc cố gắng quản lý vấn đề này và buộc họ phải tham gia vào quy tắc”.
Các cuộc thảo luận xung quanh quy tắc này bắt nguồn từ vài tháng đầu tiên của đại dịch khi các nhà sản xuất thực phẩm phàn nàn rằng các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn đang áp thêm phí và phạt họ vì những đơn đặt hàng ngắn, mặc dù các nhà sản xuất thực phẩm đang phải vật lộn để vượt qua cơn khủng hoảng bất ngờ nhu cầu về thực phẩm.
Trong bối cảnh đã trở thành điểm nóng đối với các nhà sản xuất, Walmart và Loblaw vào năm 2020 đã đơn phương áp đặt phí đối với các nhà cung cấp của họ để giúp trang trải chi phí đầu tư vào thương mại điện tử và các nâng cấp khác khi các đơn đặt thực phẩm trực tuyến tăng vọt trong thời gian đại dịch buộc xã hội ngừng hoạt động.
Các nhà cung cấp cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả thêm tiền để hàng hóa của họ được đặt lên kệ hàng, vì thị phần của mỗi chuỗi siêu thị quá lớn nên họ không đủ khả năng để ngừng kinh doanh với một trong số họ. Các chính trị gia đã chú ý, bao gồm cả liên minh gồm các bộ trưởng nông nghiệp liên bang, tỉnh bang và vùng lãnh thổ đã tiến hành một cuộc điều tra về giá cả thực phẩm.
Đến mùa hè năm 2021, các bộ trưởng đã cử một người trung gian đến để giúp soạn thảo bộ quy tắc ứng xử với các nhóm vận động hành lang đại diện cho nông dân, nhà chế biến thực phẩm, các siêu thị, cửa hàng tạp hóa độc lập và chuỗi bán lẻ quốc gia.
Vào thời điểm đó, các bộ trưởng đã nói với ngành rằng nếu họ không thể tự mình đưa ra giải pháp, chính phủ sẽ can thiệp và làm điều đó cho họ. Đến tháng 1 năm 2023, Marie-Claude Bibeau – Bộ trưởng Nông nghiệp lúc đó của Canada – cho biết bà dự kiến quy định này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Gary Sands, thành viên ban chỉ đạo quy tắc và phó chủ tịch cấp cao của Liên đoàn các cửa hàng tạp hóa độc lập Canada, cho biết việc Walmart và Loblaw đưa ra những lo ngại về tác động giá cả quá muộn trong quá trình này là “không thành thật”.
Ông nói: “Quý vị đã có gần ba năm và chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy mối lo ngại đó.”
Điểm lại quá trình giá cả thực phẩm leo thang
Trong thời kỳ đại dịch, mọi hoạt động đều bị đóng cửa để giữ cái gọi là “khoảng cách xã hội” (social distancing) đã khiến giá cả hàng thiết yếu tăng vọt vì nguồn cung thiếu. Điều này buộc các chuỗi siêu thị tăng giá để giữ nguồn lợi nhuận. Tuy nhiên, các siêu thị không những không bị lỗ vì ít khách hàng đi chợ mỗi ngày, mà họ vẫn bán như bình thường thông qua hệ thống bán hàng qua mạng internet.
Sau khi mọi thứ trở lại bình thường vào giữa năm 2022 cho đến nay, giá thực phẩm vẫn leo thang không có dấu hiệu dừng lại, các chuỗi siêu thị lớn dựa vào lạm phát để tăng giá khiến người tiêu dùng ngày càng khó có khả năng chi trả hơn.
Hình ảnh Thủ tướng Justin Trudeau thăm hỏi người dân đi chợ trong thời kỳ lạm phát cao: