Bộ Ngoại giao Canada cho biết nhà cầm quyền Trung cộng có thể đứng đằng sau một chiến dịch tung thông tin sai lệch “lừa đảo” nhắm vào Thủ tướng Justin Trudeau, thủ lãnh Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre và các dân biểu khác trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Nhóm Cơ chế Phản ứng nhanh1 của Cơ quan Đối ngoại Canada (Global Affairs of Canada – GAC), được thành lập để giám sát và chống lại các tổ chức chuyên đưa thông tin sai lệch do các nhà cầm quyền của nước ngoài tài trợ, cho biết chiến dịch này “có liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và nhằm hạn chế những lời chỉ trích chế độ cộng sản.
Theo một báo cáo công bố vào sáng thứ Hai 23/10, chiến dịch tuyên truyền đã bắt đầu vào tháng 8 và nhắm vào hàng chục dân biểu thuộc mọi chính trường, từ cấp thành phố đến liên bang.
Cái gọi là chiến dịch “spamouflage”2 là chiến dịch xử dụng mạng lưới các tài khoản mạng xã hội mới hoặc bị chiếm đoạt để đăng thông điệp tuyên truyền trên nhiều nền tảng khác nhau, chẳng hạn như Facebook, X/Twitter, Instagram, YouTube, Medium, Reddit, TikTok và LinkedIn.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết mạng bot đã hoạt động mạnh mẽ vào cuối tuần long- weeken trong tháng 9, để lại hàng ngàn bình luận bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trên tài khoản mạng xã hội của các dân biểu.
Các bài đăng này nhắm vào người chỉ trích hoặc chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc ở Canada, nó đã cáo buộc nhiều dân biểu “vi phạm hình sự và đạo đức”. Bộ Ngoại giao Canada cho biết chiến dịch của Trung Quốc cũng xử dụng những video có khả năng bị thao túng “deepfake”3.
Một email từ các quan chức GAC gởi tới các dân biểu bị ảnh hưởng cho biết 47 người trong số họ từ khắp Canada đã bị nhắm mục tiêu. Email khuyên các dân biểu về cách tự bảo vệ mình khỏi sự can thiệp của nước ngoài và bảo đảm với họ rằng chiến dịch không gây ra mối đe dọa cho sự an toàn của họ.
“Theo đánh giá của chúng tôi, hoạt động cung cấp thông tin nhằm mục đích tác động tiêu cực đến danh tiếng của qúy vị, không gây tổn hại về thể chất hoặc gây nguy hiểm cho gia đình qúy vị”, email cho biết.
Báo cáo của GAC cho biết mục tiêu của hoạt động này gồm hai phần.
“Đầu tiên, nó có thể tìm cách làm mất uy tín và bôi nhọ các dân biểu được nhắm mục tiêu thông qua các bài đăng có vẻ tự nhiên, cáo buộc không đúng đắn, họ đăng một loại nhiều bài viết và video trên mạng xã hội đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn chính trị và đạo đức của các dân biểu, xử dụng một nhân vật nói tiếng Trung ở Canada,” báo cáo cho biết.
“Thứ hai, nó có thể tìm cách làm im lặng những lời chỉ trích ĐCSTQ bằng cách khiến các dân biểu tránh xa những người chỉ trích và ngăn cản các cộng đồng trực tuyến rộng lớn hơn tham gia với họ.”
Chiến dịch chống lại Dân biểu Michael Chong
Bộ Ngoại giao Canada cho biết chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và ứng phó khi cần thiết và phù hợp, “bao gồm thông qua công khai và can thiệp ngoại giao”.
Các dân biểu cũng đã được Bộ Ngoại giao Canada đề nghị cung cấp một bản tóm tắt kỹ lưỡng hơn.
Chính phủ cho biết các mạng bot tương tự đã tham gia vào việc truyền bá thông tin sai lệch khi tuyên bố rằng vụ cháy rừng ở Hawaii là do một “vũ khí thời tiết” bí mật của quân đội Hoa Kỳ gây ra, và có liên quan đến thông tin sai lệch về quyết định của Nhật Bản vào tháng 8 năm 2023 về việc xả hàng triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy.
Vào tháng 8, Cơ chế phản ứng nhanh RRM đã báo cáo rằng một hoạt động đưa thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc đã lan truyền thông tin sai lệch về dân biểu Đảng Bảo thủ Michael Chong. Chiến dịch đó đã lan truyền những câu chuyện sai lệch về danh tính của dân biểu này, bao gồm cả bình luận và tuyên bố về lý lịch, lập trường chính trị và di sản gia đình của ông.
Vào thời điểm đó, GAC cho biết vai trò của Trung Quốc trong hoạt động thông tin là “rất có thể xảy ra”.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai 23/10, Dân biểu Michael Chong cho biết chính phủ Trudeau đã bỏ qua việc bảo vệ người dân Canada khỏi các chính phủ độc tài ngay trên đất Canada.
Ông nói: “Từ các đồn cảnh sát nước ngoài hoạt động bất hợp pháp ở đây đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, những mối đe dọa can thiệp của nước ngoài này đã nhắm mục tiêu một cách không cân xứng vào cộng đồng người Hoa hải ngoại. Đã đến lúc chính phủ Trudeau đặt sự an toàn và an ninh của người dân Canada lên hàng đầu.”
Cuộc điều tra can thiệp nước ngoài vẫn chưa rõ ràng
Chính phủ Tự do đã chịu áp lực từ phe đối lập để xem xét sự can thiệp của nước ngoài một cách nghiêm túc hơn sau các báo cáo trên phương tiện truyền thông về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử năm 2019 và 2021.
Chính phủ đã đồng ý tổ chức một cuộc điều tra công khai về sự can thiệp bầu cử của nước ngoài và đã giao cho Tòa phúc thẩm Quebec Marie-Josée Hogue lãnh đạo cuộc điều tra này.
Vẫn chưa rõ khi nào các phiên điều trần sẽ bắt đầu và bao nhiêu công việc của bà Hogue sẽ được công khai vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Bà Hogue được giao nhiệm vụ điều tra sự can thiệp của Trung Quốc, Nga, các quốc gia nước ngoài khác và các chủ thể phi chính phủ trong cuộc bầu cử năm 2019 và 2021.
Bà Hogue cũng dự kiến sẽ kiểm tra xem thông tin tình báo được chuyển đến những người ra quyết định như thế nào trong bối cảnh hai cuộc bầu cử vừa qua. Bà Hogue phải đưa ra một báo cáo tạm thời vào cuối tháng Hai vừa qua. Báo cáo cuối cùng sẽ có vào cuối năm 2024.
Bắc Kinh phủ nhận mọi can thiệp vào công việc nội bộ của Canada cũng như cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
- Rapid Response Mechanism-RRM do cơ quan Global Affairs Canada thành lập. ↩︎
- Spamounflage là một thuật ngữ kết hợp của Spam (rác) và Camouflage (ngụy trang). Nó đề cập đến chiến thuật được xử dụng bởi những kẻ gửi thư rác, trong đó họ thay thế các chữ cái nhất định bằng số để đánh lừa các bộ lọc thư rác qua email. Ví dụ: “Click here as you’ve w0n our jackp0t“, trong đó chữ “o” được thay bằng số “0”. ↩︎
- “Deepfake” – làm video về một người nào đó mà khuôn mặt hoặc cơ thể của họ đã được thay đổi bằng kỹ thuật số AI để họ trông giống như một người khác, thường được nhiều danh hài xử dụng để chỉ trích các chính trị gia, sau nay nhiều người xử dụng với mục đích xấu hoặc để truyền bá thông tin sai lệch. ↩︎