Trong thời gian qua, nhiều chùa chiền Phật Giáo ở vùng GTA bị kẻ lạ vào trộm cũng như xông vào cướp tài vật cúng Tam Bảo đã dấy lên sự phẫn nộ từ Phật tử cũng như cư dân chung quanh đó, nguyên nhân vì đâu, mời quý vị theo dõi bài phóng sự dưới đây được đăng trên CBC.
Cô Chemi Lhamo cho biết, chào đón khách thập phương đến thăm viếng ngôi chùa luôn là giá trị cốt lõi của Phật giáo. Bây giờ, nó không đơn giản như vậy.
Cô Chemi là một nhà tổ chức của Trung tâm Văn hóa Tây Tạng Canada và là người phát ngôn của Trung tâm Phật giáo Gajang, nói với CBC Toronto: “Chính những nơi được cho là mở cửa hiện phải có biện pháp phòng ngừa”.
Một loạt tội ác gần đây tại các nơi thờ phượng trên khắp khu vực Đại Đô Thị Toronto đã khiến Trung tâm Phật giáo Gajang và những nơi khác tương tự phải tăng cường an ninh. Điều đó bao gồm sàng lọc khách thập phương mới đến.
Cô Chemi nói tiếp: “Thật đáng buồn vì trong thế giới mà chúng ta đang sống, không có nhiều không gian an toàn, thậm chí chỉ là không gian trống để tiếp cận”.
Từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 9 tháng 9, cảnh sát ở khu vực Peel và York đã báo cáo bảy vụ đột nhập và trộm cắp tại các ngôi chùa, tu viện và trung tâm thiền định Phật giáo. Chưa có lệnh bắt nào được đưa ra. Các nơi thờ cúng từ chối bình luận với lý do lo ngại họ có thể trở thành nạn nhân lặp lại hoặc bị trả thù.
Cảnh sát Vùng Peel cho biết trong một vụ việc, các nghi phạm đã lấy trộm tiền và gây thiệt hại tài sản. Trong một trường hợp khác, nghi phạm đã cầu xin sự ban phước trước khi trộm két sắt và bỏ trốn.
Các ngôi chùa và tu viện Phật giáo không phải là nơi thờ cúng duy nhất bị nhắm tới. Theo dữ liệu của cảnh sát, đã có 29 vụ đột nhập vào các trung tâm tôn giáo trên khắp Vùng Peel kể từ đầu năm.
Cảnh sát cho biết những vụ việc gần đây dường như được thúc đẩy bởi lợi ích tài chánh và không bị điều tra như tội phạm thù hận. Các nhà điều tra đang truy lùng các nghi phạm nhưng chưa thực hiện bất kỳ vụ bắt giữ nào.
Cảnh sát Toronto cho biết nhà chức trách đang liên lạc với các cơ quan cảnh sát khác và đang tiến hành tuần tra chung, đặc biệt là ngoài giờ, tại các khu vực có nơi thờ phượng.
Bà Chemi Lhamo nói: “Nói chung đây là những nơi rất thân thiện và cởi mở. Chứng kiến những vụ đột nhập, đe dọa, trộm cắp như vậy khiến tôi khá nản lòng”.
Theo Antoine Panaioti, một chuyên gia về triết học Phật giáo tại Đại học Toronto Metropolitan, Phật giáo ở Canada đã có từ nhiều thế kỷ trước.
Ông nói rằng nó có thể bắt nguồn từ việc xây dựng tuyến đường sắt vào những năm 1880.
Gần 150 năm sau, các thành viên của cộng đồng Phật giáo ở Toronto chiếm 2% dân số thành phố, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Canada từ năm 2021.
Có rất nhiều nơi thờ cúng Phật giáo – mỗi nơi thực hành các hệ phái tôn giáo hơi khác nhau. Chẳng hạn, Phật giáo Trung Hoa, Việt Nam, Tây Tạng… đều có bản sắc và văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, Panaioti cho biết tất cả họ đều dựa vào tiền quyên góp, điều này có thể khiến họ trở thành mục tiêu.
Ông Timothy Bryan, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Toronto, người nghiên cứu chính sách về tội phạm thù hận, cho biết không chỉ giả định rằng có tiền mặt tại chỗ mới khiến những nơi thờ cúng này trở thành “mục tiêu dễ dàng” cho tội phạm.
Ông nói rằng các giá trị cốt lõi của tôn giáo – cởi mở và chào đón, với “mong muốn đáp ứng nhu cầu của mọi người” – cũng có tác động.
Mặc dù cảnh sát không coi những vụ việc này là tội phạm thù hận, Bryan nói rằng chúng vẫn có “tác động đáng kể” đến cộng đồng.
Những loại tội phạm này không phải là một hiện tượng hoàn toàn mới.
Cô Pamela Yoshida nhớ lại nhiều vụ đột nhập và các sự cố khác tại chùa Phật giáo Toronto, nơi cô đã đến từ khi còn quấn tã và hiện là trợ lý hành chính.
Vào năm 2005, khi nhà thờ chuyển từ Đường Bathurst đến một địa điểm mới ở North York, cô cho biết những vụ đột nhập đó đã chấm dứt. Mặc dù cô Pamela nói rằng những sự cố gần đây đã khiến một số thành viên cộng đồng đặt câu hỏi liệu có cần thêm biện pháp phòng ngừa hay không, chẳng hạn như một tấm biển quảng cáo: “Chúng tôi không giữ tiền mặt bên trong tòa nhà”.
Cô Pamela Yoshida không nghĩ điều đó là cần thiết.
“Chúng ta nên cởi mở và chào đón tất cả mọi người. Bạn biết đấy, nếu ai đó muốn đột nhập vào đây, đó là lương tâm của họ.”
Cảnh sát cho biết cuộc điều tra của họ sẽ tiếp tục, nhưng Bryan nói rằng thật không may, trách nhiệm tự vệ lại thuộc về những nơi thờ cúng.
Ông nói: “Thông thường rất khó để thực hiện công tác phòng ngừa một cách nghiêm ngặt thông qua lực lượng cảnh sát. Nếu cộng đồng muốn có những cách hiệu quả để ngăn chặn những sự việc như thế này xảy ra, họ có thể phải chịu chi phí lắp đặt hàng rào, cổng hoặc camera.”
Trở lại Trung tâm Phật giáo Gajang, Cô Chemi Lhamo nói rằng điều quan trọng đối với cộng đồng là làm điều tốt nhất: tình yêu thương.
Cô nói: “[Những sự cố này] khuyến khích chúng tôi truyền bá các giá trị của truyền thống Phật giáo, bắt nguồn từ trí tuệ và lòng từ bi. Hãy tiếp tục lan tỏa những thông điệp yêu thương và từ bi đến mọi người để những sự việc như vậy ít xảy ra hơn”.
Không những chùa Phật giáo bị trộm cướp mà ngay cả Nhà thờ đạo Hindu và Hồi giáo cũng bị trình trạng tương tự.
Chùa Phật giáo của cộng đồng người Việt có bị ảnh hưởng gì?
Trong nhiều năm gần đây tình trạng trộm cắp cũng rất thường xảy ra ở các chùa của người Việt. Không những thế, bọn cướp còn táo tợn vào chùa cướp tiền cúng Tam Bảo và hành hung các thầy, gây thương tích không nhẹ.
Theo ghi nhận của cảnh sát GTA, vào năm 2019, một nhóm người bịt mặt xông thẳng vào một ngôi chùa của người Việt trong vùng GTA cướp đi một số tiền mặt và đánh đập sư trụ trì khiến thầy phải nhập viện. Sự việc xảy ra khiến nhiều Phật tử trong vùng bàng hoàng.
Nghi phạm được thầy mô tả là người da trắng hoặc nam Mỹ.
Theo cảnh sát Windsor, vào ngày Chủ nhật 10/09/2023 – một ngôi chùa Việt Nam ở đây bị bốn tên người Ấn Độ đột nhập vào chùa lúc giữa trưa các Phật tử và thầy đang tụng kinh cướp đi một tủ sắt chứa nhiều tiền mặt mà không một ai hay biết. Sự việc đến giờ vẫn đang được cảnh sát điều tra.