14.4 C
Toronto
Saturday, September 7, 2024
HomeCộng ĐồngLễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 tại Toronto

Lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 tại Toronto

BÀI LIÊN QUAN

Buổi lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm nay được tổ chức long trọng tại Toronto nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền trước sự chứng kiến gần 300 quý đồng hương từ Hoa Kỳ, Canada và các quan khách đại diện chính quyền địa phương.

Buổi lễ được tổ chức tại Grand Luxe Event Hall ở Toronto vào ngày 10 tháng 12 năm 2023 với sự hợp tác giữa Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLNQVN) cùng phối hợp cùng Ủy ban Yểm trợ Dân chủ Quốc nội Toronto (UBYTDC), và được sự bảo trợ của 9 tổ chức của người Việt trên thế giới, và 12 tổ chức của người Việt tại Canada.

Về phía chính quyền gồm có, Dân biểu Liên bang Judy Sgro, Dân biểu Liên bang Kevin Vương và Dân biểu Tỉnh bang Ontario David Smith.

Lễ khai mạc long trọng với ban hợp ca Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Ontario trong hai bài Quốc ca cùng trang phục áo dài hai màu cờ Canada và Việt Nam Cộng Hòa.

Sau nghi thức khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng Ban Tổ Chức đã bắt đầu chương trình với lời chào mừng quan khách và đồng hương, đồng thời ông cũng tóm tắt về mục đích và quá trình Giải Nhân Quyền trong 21 năm qua, cũng như giới thiệu cháu Tiến (William) đến từ Belleville, người cùng điều khiển chương trình hôm nay.

Mở đầu buổi lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam là Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều Hành MLNQVN, nói về ý nghĩa của chủ đề Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 75 do Liên Hiệp Quốc đề xướng: “Tự do, Bình đẳng và Công lý cho Tất cả mọi người.”

Ông nhấn mạnh mặc dù cộng sản Việt Nam đã tham gia và cam kết tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền, tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử có hệ thống vẫn tồn tại trong mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội và càng ngày càng tồi tệ hơn. Chính sự độc tôn lãnh đạo của ĐCSVN đã tạo nên một giai cấp nhiều đặc quyền đặc lợi và đẩy đại đa số quần chúng vào thế cùng của sự áp bức. Nhiều người đã đứng lên đòi Tự do, Bình đẳng, và Công lý; và họ đã bị trù dập, hành hạ, và tù đày mà ba người được vinh danh và trao Giải Nhân quyền Việt Nam năm nay, Ông Trần Văn Bang, Ông Y Wô Niê, và Ông Lê Trọng Hùng, là những tấm gương tiêu biểu.

Trước khi trao giải cho 3 tù nhân lương tâm năm nay, ban tổ chức đã 3 diễn giả giới thiệu tiểu sử cũng như quá trình hoạt động của từng khôi nguyên.

Giới thiệu Ông Trần Văn Bang

Ông Lê Sơn đại diện Ủy ban Yểm trợ Dân chủ Quốc nội Toronto giới thiệu về tù nhân lương tâm Trần Văn Bang.

Ông Bang sinh năm 1961 tại Hải Dương, từng tham gia chiến trận Vị Xuyên (1982-1984) trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung cuối thập niên 70. Năm 2007, ông Bang dấn thân vào đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và chống lại sự hèn nhát của CSVN trước việc Trung cộng tuyên bố sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Hải Nam. Ngoài ra, ông cũng tham gia biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, phản đối luật An ninh mang, dự luật Đặc khu Trung cộng ở Việt Nam năm 2018…Ngày 1/3/2022, ông Trần Văn Bang bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày 12/5/2023, sau phiên tòa xử chưa đầy 3 giờ, tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án ông 8 năm tù giam và 3 năm quản chế. Hiện nay tù nhân lương tâm Trần Văn Bang đang bị giam tại trại giam Bố Lá thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Sức khỏe của ông hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng vì điều kiện giam giữ hà khắc của nhà tù.

Sau phần giới thiệu, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều Hành MLNQVN trao giải Nhân Quyền đến khôi nguyên Trần Văn Bang được bà Kim Oanh đại diện nhận giải.

Giới thiệu Ông Y Wô Niê

Ông Hà Bửu Phước, đại diện Ủy ban Yểm trợ Dân chủ Quốc nội Toronto giới thiệu về tù nhân lương tâm Y Wo Niê.

Ông Y Wo Niê là người dân tộc Ê-Đê còn có tên gọi khác là Ama Quynh, sinh năm 1970 ở buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2000 ông đã cùng một số bạn dân tộc Ê-Đê lên tiếng đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thay đổi chính sách bất bình đẳng đối với các sắc dân thiểu số, chấm dứt đàn áp tôn giáo, trả lại đất tổ tiên bị lấn chiếm, và thả tù nhân chính trị người dân tộc thiểu số.

Ngày 10/4/2004, đúng vào vào dịp Lễ Phục Sinh, ông cùng với hàng chục ngàn người các sắc dân thiểu số Tây Nguyên đứng lên đấu tranh cho quyền của họ trong biến cố được gọi là “Biểu tình Tây Nguyên 2004,” “Bạo loạn Tây Nguyên 2004,” hoặc “Thảm sát Phục Sinh.” Nhà cầm quyền CSVN đã thẳng tay đàn áp khiến nhiều người đã bỏ mạng. Ngày 4/7/2005, tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xử 9 người dân tộc Ê-Đê, trong vụ án nầy, Y Wô Niê lãnh 9 năm tù giam.

Ngày 20/9/2021, Công an huyện Cư Kuin đã bắt giữ và truy tố ông Niê với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Ngày 20/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Y Wô Niê, và kết án 4 năm tù giam. Hiện nay tù nhân lương tâm Y Wô Niên đang bị giam tại trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên.

Sau phần giới thiệu quá trình hoạt động của khôi nguyên, Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ tịch Ủy ban Yểm trợ Dân chủ Quốc nội Toronto trao giải Nhân quyền cho ông Y Wô Niê được ông Vũ Hoàng Hải đại diện nhận giải.

Giới thiệu Ông Lê Trọng Hùng

Bà Hồ Khánh Lan giới thiệu về tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng.

Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979 tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ năm 2000 đến 2015, ông dạy học ở một số trường thuộc tỉnh Lào Cai, cao nguyên Tây Bắc Việt Nam, và sau đó chuyển về trường câm điếc Xã Đàn ở thành phố Hà Nội. Trong thời gian đi dạy, ông ghi danh học Luật và tốt nghiệp cử nhân Luật ở Viện Đại học mở Hà Nội.

Vào tháng 10 năm 2015, ông yêu cầu nhà trường cải cách giáo dục và đòi hỏi những lợi ích chính đáng cho học sinh. Lời yêu cầu của ông bị từ chối. Ông quyết định nghỉ dạy và tham gia vào lãnh vực báo chí tự do với tâm nguyện thay đổi nhận thức người dân hướng tới một xã hội văn minh và dân chủ.

Năm 2016, ông tham gia cùng ông Vũ Quang Thuận trong chương trình truyền hình “Phong trào chấn hưng nước Việt” trên mạng xã hội Facebook để khai dân trí bằng cách phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và “giải ảo” thần tượng mà Đảng cộng sản Việt Nam đã dày công xây dựng.

Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn Hưng TV) trên mạng xã hội Facebook để phổ biến kiến thức pháp luật trong đó trọng tâm là hiến pháp. Ông Hùng tự bỏ tiền túi và quyên góp thêm từ bạn bè trong và ngoài nước, mua bản in Hiến pháp tặng cho người dân với mong muốn mỗi công dân Việt Nam đều hiểu rõ về những quyền căn bản của mình được ghi trong Hiến pháp. Trong thời gian 5 năm tính đến ngày bị bắt, ông Lê Trọng Hùng đã tặng gần 10 ngàn cuốn Hiến pháp cho người dân.

Bên cạnh đó, ông còn giúp hàng ngàn dân oan soạn thảo đơn thư gởi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết những sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai theo quy định của pháp luật.

Ông Hùng còn tham gia các hoạt động biểu tình phản đối tập đoàn Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng nề môi trường biển của các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Đầu tháng 3 năm 2021, ông Lê Trọng Hùng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc Hội Việt Nam với mong muốn cải tổ cơ quan lập pháp này để nó xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân.

Ngày 27 tháng 3 năm 2021, công an Hà Nội bắt giam ông Lê Trọng Hùng với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2021, ông Lê Trọng Hùng bị tòa án Hà Nội tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Hiện nay ông Lê Trọng Hùng đang bị giam tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, một trại giam nổi tiếng khắt khe. Ở trại giam nầy nhiều tù nhân lương tâm đã qua đời một cách đột ngột, như Mục sư Đinh Diêm năm 2023, nhà báo công dân Đỗ Công Đương năm 2022, và cựu giáo chức Đào Quang Thực năm 2019. Đầu tháng 9 vừa qua, ông Hùng đã tuyệt thực để yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo.

Sau phần giới thiệu quá trình hoạt động của khôi nguyên, Ông Trần Đông trao giải Nhân quyền cho đại diện nhà báo Lê Trọng Hùng được ông Lê Hữu Chính đại diện nhận giải.

Thân nhân của các tù nhân lương tâm nói gì?

Thông qua buổi lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam, ban tổ chức đã cho chiếu từng đoạn phim ngắn được thâu từ Việt Nam phát lên màn hình lớn của hội trường.

Những lời chia sẻ mộc mạc từ người thân của 3 khôi nguyên đã khiến cử tọa trong hội trường cảm động. Từ lời Bà Trần Thị Phục, người mẹ tuổi già sức yếu 93 tuổi của tù nhân lương tâm Trần Văn Bang; cách phát âm tiếng Việt còn pha lẫn âm sắc tiếng sắc tộc Ê-Đê của vợ tù nhân Y Wô Niê, cũng như lời nói chân thành của người vợ khiếm thị của tù nhân Lê Trọng Hùng.

Thông qua buổi lễ nầy, người thân của 3 tù nhân lương tâm đã cám ơn đến tất cả các tổ chức và những ai quan tâm đến họ và gia đình. Đối với những nhà hoạt động, được sự hỗ trợ và luôn sát cánh bên mình từ người thân là một động lực vô cùng to lớn.

Giới chính trị gia Canada nói gì?

Dân biểu liên bang Judy Sgro, một chính trị gia luôn sát cánh với cộng đồng gốc Việt trong vùng GTA nhiều thập niên qua. Đặc biệt vào cuối năm 2022 bà là người dẫn đầu phái đoàn Dân biểu liên bang Canada đến thăm Đài Loan khiến Trung cộng tức tối. Trong nhiều năm qua, Bà đã đứng ra bảo trợ cũng như bảo lãnh nhiều nhà tranh đấu Việt Nam tị nạn tại Thái Lan đến Canada. Ngoài ra, Bà cũng đại diện cho Thủ tướng Justin Trudeau phát biểu về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tại buổi lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam cũng như chúc mừng MLNQVN đã duy trì và hoạt động trong suốt 21 năm qua.

Dân biểu Judy Sgro nói rằng bà cùng nhiều Dân biểu khác thường xuyên lên tiếng về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam tại Quốc hội Canada. Trong buổi lễ nầy, Bà cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phải tôn trọng các quyền tự do của người dân mà họ đã ký trong bản Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Dân biểu liên bang Kevin Vương, một gương mặt trẻ quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tại GTA. Ông là dân biểu liên bang gốc Việt duy nhất ở Quốc hội Canada. Là người am hiểu về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam hiện nay, tiếng nói của ông tại Quốc hội Canada rất quan trọng đối với các nhà hoạt động cho nền dân chủ ở Việt Nam.

Phát biểu trong buổi lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023, Ông kêu gọi nhà cầm quyền CSVN cần phải tôn trọng Nhân quyền mà họ đã ký kết. Ông cũng nói rằng, các nhà hoạt động hãy tiếp tục mạnh dạn lên tiếng cho tình trạng nhân quyền cũng như đấu tranh cho nền dân chủ ở Việt Nam, ông sẽ luôn sát cánh cùng họ và sẽ lên tiếng tại Quốc hội Canada.

Dân biểu Tỉnh bang Ontario David Smith lên án nhà quyền CSVN đã đàn áp đối lập cũng như các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.

Ông nhấn mạnh rằng: “bất kể ở nơi đâu, nhân quyền và tự do bày tỏ quan điểm đều phải được tôn trọng, không cần biết anh mang sắc tộc gì và đang ở đâu trên hành tinh nầy, từ Da Đen, Da Trắng, Châu Á hay Việt Nam; từ Liên Hiệp Quốc hay Việt Nam… Đó là quyền căn bản của con người cần được tôn trọng!”

Giới thiệu về Giải Nhân Quyền Việt Nam

Giải Nhân Quyền Việt Nam được MLNQVN thành lập từ 2002 nhằm tuyên dương những cá nhân hoặc đoàn thể đã có những thành tích đấu tranh xuất sắc cho quyền làm người của nhân dân Việt Nam. Giải Nhân Quyền Việt Nam cũng còn có mục đích tạo điều kiện để người Việt khắp nơi bày tỏ sự liên đới đối với những cá nhân và đoàn thể đó. Từ ngày thành lập đến nay, lễ trao giải đã được tổ chức liên tục hằng năm vào Ngày Quốc Tế Nhân Quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Qua 22 lần trao giải, đã có 60 cá nhân và 6 tổ chức ở Việt Nam nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam.

CÙNG CHỦ ĐỀ

TIN MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!